Danh mục sản phẩm

Bán lẻ Việt Nam vào đường đua mới

10-12-2021, 5:02 pm   347

Nội dung chính

Bán lẻ trực tuyến là xu hướng tất yếu, số hóa là nhu cầu bắt buộc nhưng bán lẻ trực tiếp trong ngắn hạn vẫn giữ vững vị thế, thậm chí có thể gia tăng

Bán lẻ Việt Nam vào đường đua mới

Vừa ra mắt mô hình bán lẻ không tiếp xúc với tên gọi "Chợ đa năng G Market" ngày 21-11, ông Nguyễn Thành Nhân, Tổng Giám đốc Grove Group, cho biết đã mở 7 kho hàng tự động thông minh (Hub) tại TP HCM để có thể phủ sóng bán hàng trên toàn TP. Riêng Hub tại khu đô thị Homyland Riverside, TP Thủ Đức đã bố trí một phần cho khách hàng tham quan, mua sắm trực tiếp thay vì chỉ được nhìn từ bên ngoài và mua sắm online 100% như kế hoạch ban đầu.

Bán hàng không tiếp xúc được khuyến khích

G Market ra đời nhanh chóng thu hút sự chú ý của bộ phận khách hàng trẻ tuổi, ưa thích trải nghiệm tiện ích mới và tham quan với việc mua sắm trực tuyến.

"Chúng tôi cung cấp hơn 10.000 mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, áp dụng quy trình khép kín "FHD" (Farm/Factory - Hub - Door): hàng hóa sẽ được chọn lọc kỹ từ các trang trại, nhà máy (Farm/Factory) đạt chuẩn, tổ chức vận chuyển, đưa vào bảo quản trong điều kiện nhiệt độ thích hợp tại hệ thống kho chuyên biệt (Hub). Tại Hub, các sản phẩm được nhân viên kiểm tra, sàng lọc, đóng gói và giao đến khách hàng (Door) trong thời gian sớm nhất" - ông Nhân nêu sự khác biệt của G Market so với các mô hình bán lẻ khác.

Theo kế hoạch, toàn bộ quy trình mua sắm được số hóa, người tiêu dùng đặt hàng thường xuyên trên website/app và được cấp mã QR để nhận hàng tại các kho tự động của hệ thống hoặc yêu cầu giao tận nhà. Thế nhưng, trước mắt, G Market "chạy" song song 2 hình thức kho phục vụ, vừa giúp khách hàng làm quen mô hình mua sắm mới vừa cập nhật, điều chỉnh mô hình cho phù hợp với thực tế thị trường.

Dự kiến, giữa tháng 1-2022, G Market sẽ ra mắt máy bán hàng tự động 24/7 để phục vụ thị trường Tết. CEO Grove Group tin tưởng nếu làm chuẩn mô hình, dịch vụ vận hành tốt thì G Market sẽ mang đến sự tiện lợi tối đa cho người tiêu dùng TP HCM, đặc biệt là khách hàng tại các khu chung cư.

Grove Group không tiết lộ giá trị đầu tư cho mô hình bán lẻ của mình nhưng theo các chuyên gia, mức đầu tư để xây dựng, vận hành hệ thống bán lẻ trực tuyến hiện đại này không nhỏ. Bước đầu, mô hình tạo được sự háo hức trong một bộ phận người tiêu dùng và sự quan tâm trong giới kinh doanh bán lẻ.

"Xu hướng tương lai sẽ đi đến các mô hình số hóa, vấn đề là thời gian. Dịch Covid-19 với những diễn biến phức tạp, biến chủng mới có thể xuất hiện sẽ tạo lực đẩy cho các hình thức mua sắm không trực tiếp. Doanh nghiệp (DN) nào đi trước sẽ có lợi thế của người tiên phong và có nhiều thời gian hơn để điều chỉnh mô hình" - một chuyên gia bán lẻ nhận định.

Theo chuyên gia này, sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, mô hình cửa hàng hỗn hợp Omnichannel sẽ tiếp tục phát triển, nâng cao trải nghiệm kỹ thuật số tại cửa hàng, siêu thị. Vì vậy, DN bán lẻ buộc phải hành động để đáp ứng những thay đổi trong hành vi tiêu dùng trong bối cảnh các mô hình kinh doanh mới, hạn chế tập trung đông người được Chính phủ ủng hộ.

Trước G Market, một số DN bán lẻ đã đầu tư số hóa, đưa vào ứng dụng một số dịch vụ mới nhằm gia tăng trải nghiệm, giúp khách hàng làm quen với phương thức mua sắm hiện đại. Đơn cử, Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM (Saigon Co.op) thí điểm bảng giá điện tử tại một số siêu thị Co.opmart và triển khai quầy tính tiền tự động tại một số siêu thị Co.opmart, Finelife.

Bán lẻ trực tiếp vẫn giữ vai trò chủ đạo

Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Saigon Co.op, cho biết số hóa bán lẻ là xu hướng chung và là hành trình bắt buộc nhưng đòi hỏi đầu tư lớn và thời gian đủ dài. Mỗi DN tùy năng lực của mình sẽ chọn đầu tư phát triển đúng thế mạnh. Các DN vẫn tiếp tục mở rộng chuỗi bán lẻ trên phạm vi toàn quốc bởi đây là kênh chính mang về doanh thu và lợi nhuận.

Theo ông Đinh Quang Khôi, Giám đốc marketing Công ty MM Mega Market Việt Nam, từ tháng 10 đến nay, doanh thu bán hàng online của các nhà bán lẻ lớn đều giảm mạnh so với lúc cao điểm giãn cách xã hội vì khách dần quay lại mua sắm trực tiếp. "Doanh thu của chuỗi MM Mega Market vẫn đang tăng tốt. Người tiêu dùng có xu hướng chọn những nơi mua sắm có mặt bằng rộng, giảm tần suất mua sắm nhưng giá trị giỏ hàng trong mỗi lần mua lại tăng gấp rưỡi so với trước" – ông Khôi thông tin.

Đại diện hệ thống LOTTE Mart cho rằng DN đã trải qua giai đoạn rất khó khăn do dịch bệnh, giờ đang dần ổn định nên vẫn tập trung nâng cao hiệu quả những hoạt động hiện có. Do đó, trong ngắn hạn, cạnh tranh bán lẻ vẫn sẽ dựa trên cơ sở gia tăng nhiều dịch vụ, tiện ích và chính sách giá để đồng hành với người tiêu dùng.

Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Anh Đức cho hay các nhà bán lẻ đang dồn lực kích cầu cuối năm. Hàng loạt chương trình khuyến mãi với mức giảm giá "khủng" liên tục được triển khai từ đầu tháng 10, kéo dài đến Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, người tiêu dùng chưa có dấu hiệu nới lỏng chi tiêu nên việc kích cầu không đơn thuần chỉ là giảm giá trên từng sản phẩm mà cần có sự đầu tư hơn. Saigon Co.op đang áp dụng các combo hàng khuyến mãi, kết hợp theo nhóm sản phẩm liên quan như gạo với dầu ăn, gia vị; nước giặt với nước xả, dầu gội với dầu xả… và kết hợp chéo giữa các loại hình dịch vụ để khuyến mãi thiết thực hơn, chăm sóc khách hàng chu đáo hơn.

Nguồn: laodong.vn