Danh mục sản phẩm

Doanh nghiệp hiến kế phát triển mạnh thương hiệu bán lẻ Việt

10-02-2022, 5:32 pm   271

Nội dung chính

Ngành bán lẻ được dự báo tăng trưởng tích cực năm 2022, có tới 46,7% nhà bán hàng tin tưởng thị trường bán lẻ sẽ phục hồi, 14,5% nhà bán hàng kỳ vọng chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ.

Doanh nghiệp hiến kế phát triển mạnh thương hiệu bán lẻ Việt

Hai năm qua là khoảng thời gian đầy biến động đối với lĩnh vực phân phối bán lẻ hiện đại nói chung. Việt Nam vẫn nằm trong nhóm các nước đang trong giai đoạn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, phải mất khoảng 9-12 tháng mới có thể phục hồi. Do vậy, ngành bán lẻ năm 2022 vẫn cần lực đẩy rất lớn.

Tăng tốc đổi mới mô hình

Theo khảo sát của Sapo về triển vọng, xu hướng bán lẻ năm 2022 thì có 46,7% nhà bán hàng tin tưởng thị trường bán lẻ sẽ phục hồi, 14,5% nhà bán hàng kỳ vọng chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2022.

Đại dịch cũng đã thúc đẩy người tiêu dùng chuyển dần từ mua sắm truyền thống sang mua sắm trực tuyến. Theo Kantar Worldpanel, thị phần cho các cửa hàng truyền thống đã giảm từ 6%-10% trong khoảng thời gian từ tháng 8 đến tháng 9 năm ngoái. Trong bối cảnh dịch bệnh, chuyển đổi số, bán hàng đa kênh trở thành phương án được nhiều nhà bán hàng sử dụng nhất. Song song với đó, sự chuyển dịch hình thức thanh toán và phương thức vận chuyển trở thành điểm nhấn trong ngành bán lẻ.

Năm 2022, xu hướng hiện đại hóa kênh bán hàng truyền thống, thay đổi mô hình mua nhanh bán gọn sẽ sớm đi vào thực tiễn. Một xu hướng nữa là chiến lược bán lẻ đặt khách hàng cá nhân lên hàng đầu. Các nhà bán lẻ tối ưu hóa trải nghiệm để giữ chân khách hàng và áp dụng nhiều chỉ số đánh giá quá trình bán hàng sẽ có được lợi thế tốt hơn để chiếm lĩnh thị trường.

Để phục vụ tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng, đại diện Saigon Co.op cho biết sẽ đẩy mạnh phát triển các loại hình thương mại hiện đại, các kênh phân phối tiên tiến đối với tiêu thụ hàng Việt, bảo đảm phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới như: online, e-commerce, thanh toán không tiền mặt, thanh toán không tiếp xúc...

Ngoài ra, để chuỗi cung ứng hoạt động nhịp nhàng và chuỗi giá trị hàng Việt thể hiện được vị thế của mình, cần có sự liên kết chặt chẽ theo vùng, có sự phân công chuyên môn hóa giữa các địa phương trong việc phát triển sản phẩm, hàng hóa thương hiệu Việt; tránh sự chồng chéo, cục bộ giữa từng địa phương, từng ngành trong phát triển chuỗi giá trị thương hiệu Việt nói chung.

Theo phân tích của Aeon, trong 5-10 năm tới, kinh tế Việt Nam nói chung và ngành bán lẻ nói riêng đều rất tiềm năng với nhiều điều kiện phát triển thuận lợi, khi Việt Nam là một trong những nước đứng đầu về tỉ lệ tăng trưởng tầng lớp trung lưu trong khu vực Đông Nam Á (9,2%/năm). Cùng với sự tăng trưởng nhanh chóng của kinh tế Việt Nam và sự thay đổi mạnh mẽ về cấu trúc của ngành bán lẻ trong thời gian tới, doanh thu của các nhà bán lẻ hàng đầu dự đoán sẽ gấp 3 lần so với thời điểm hiện tại.

Thương hiệu bán lẻ thuần Việt

Trong khi đó, chọn hướng đi khác – một con đường khó hơn trong lĩnh vực bán lẻ đó là kinh doanh 100% các sản phẩm nông sản thương hiệu Việt, Vinanutrifood ấp ủ giấc mơ đưa thương hiệu thuần Việt ra quốc tế với thương hiệu bán lẻ Nutrimart.

Trao đổi với DĐDN, bà Nguyễn Thị Diễm Hằng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần dinh dưỡng hữu cơ Việt Nam (Vinanutrifood) cho biết, với kênh bán lẻ ở trong nước, mỗi siêu thị Nutrimart được xác định sẽ “chăm sóc” 500 hộ dân. “Chúng tôi cũng mở nhiều kích cỡ siêu thị như Nutrimart có diện tích 30-70m2 gọi là dòng mini mart len lỏi trong các khu dân cư, ngõ nhỏ; tiếp theo là dòng nutrimart+ diện tích từ 100-200m ở các vị trí trung tâm mặt đường và khu đông dân cư có tất cả các mặt hàng từ đồ tươi đồ khô”, bà Hằng chia sẻ.

Ngoài ra còn có nutrimall 500-1000mvà nutricentral, từ 1000-2000m,…mỗi siêu thị này có size và mục tiêu hướng tới khác nhau. Nhưng cái chung là đưa sản phẩm Việt đến gần với người việt hơn, là kênh bán lẻ cho sản phẩm Việt, tạo chỗ đứng cho các sản phẩm Việt đáp ứng tiêu chuẩn.

“Chúng tôi lựa chọn con đường vất vả và gian lan hơn. Chúng tôi hoàn toàn có thể đưa hàng nghìn mã hàng của doanh nghiệp quốc tế vào hệ thống của mình một cách dễ dàng. Nhưng chúng tôi lại đưa các sản phẩm Việt của những nông hộ, HTX, làng nghề… có khi là sản lượng rất nhỏ, rất vất vả trong quá trình thu mua. Chúng tôi mong muốn người Việt Nam tự hào dùng hàng Việt Nam”, Chủ tịch Vinanutrifood nhấn mạnh.

Với slogan “Đưa sản phẩm Việt ra thế giới” Nutrimart đã và đang đồng hành cùng các đơn vị OCOP, đưa các sản phẩm OCOP 4*, OCOP 5* có thể xuất khẩu ra quốc tế. Chủ tịch Vinanutrifood nhấn mạnh đây là bước đi mà chúng ta nhất định phải đi. Bởi nếu cứ mãi xuất thô chúng ta sẽ không có thương hiệu “made in Viet Nam”.

“Chúng ta phải xuất những sản phẩm thương hiệu Việt Nam như dừa Bến Tre, miến làng So, mỳ Chũ…cả thế giới sẽ phải biết đên, đây là con đường Nutrifood lựa chọn. chúng tôi cũng đang bắt đầu xây dựng gian hàng quốc gia Việt Nam trên các gian hàng quốc tế như JD.Com hay đang xây dựng tại một số sàn như Alibaba, Amazon…”, bà Hằng chia sẻ.

Đặc biệt hơn, khi đưa thương hiệu bán lẻ Nutrimart ra thế giới, doanh nghiệp này kỳ vọng xây dựng được thương hiệu hàng Việt Nam chất lượng. “Không phải là vì sản phẩm của Việt Nam rẻ, mà là đưa giá trị cốt lõi của sản vật địa phương được đưa ra thế giới, là những nét ẩm thực, nét văn hoá Việt Nam. Chúng tôi kỳ vọng đưa thương hiệu bán lẻ của Việt Nam ra quốc tế, chúng tôi đã hợp tác với một số đối tác tại Thái Lan và Trung Quốc để đưa thương hiệu bán lẻ Nutrimart ra thế giới. Hệ thống này sẽ sớm được khởi động tại quốc tế”, bà Nguyễn Thị Diễm Hằng nhấn mạnh.

 Nguồn: diendandoanhnghiep.vn