14-11-2023, 11:31 am 96
Trong các sự kiện quy mô, vòng tay đèn LED đã trở nên quen thuộc và góp phần tạo ra những hiệu ứng ánh sáng sống động. Cùng bài viết dưới đây phân tích những công nghệ ẩn sau những chiếc vòng đeo tay “phát sáng”.
Từ lâu, vòng tay đèn LED đã là thiết bị không thể thiếu trong những buổi trình diễn lớn của nghệ sĩ, điển hình như ColdPlay, Lady Gaga, hay gần đây nhất là Eras Tour của Taylor Swift. Chắc hẳn, các fan Taylor Swift vẫn còn phấn khích khi nhớ đến hình ảnh hai “con rắn ánh sáng” khổng lồ trườn trên khắp khán đài Eras Tour. Điều đó càng khiến nhiều người tò mò về những “ma thuật” đằng sau đã tạo ra hiệu ứng mãn nhãn từ chiếc vòng tay nhỏ này.
Thực tế, công nghệ điều khiển ánh sáng trên các vòng đeo tay không phức tạp như mọi người nghĩ. Ông Vincent Leclerc, đồng sáng lập và CEO của PixMob, chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn với Wall Street Journal: “Thật thú vị khi mọi người nghĩ rằng chắc phải có GPS hoặc những công nghệ hiện đại như AI trong mỗi chiếc vòng đeo tay. Nhưng thật ra, chúng tôi thích sáng tạo dựa trên những công nghệ cổ điển hơn”.
Cụ thể hơn, đại diện công ty chuyên về ánh sáng sự kiện PixMob chia sẻ rằng có 3 công nghệ quen thuộc khi điều khiển ánh sáng trên những chiếc vòng đeo tay đèn LED.
Với công nghệ này, bên trong mỗi chiếc vòng sẽ được trang bị bộ tiếp nhận tín hiệu và một máy tính nhỏ để xử lý tín hiệu. Sau đó, khi nhận được tín hiệu vô tuyến, bộ xử lý sẽ chuyển hóa nó thành thông tin về thời gian và màu sắc ánh sáng các vòng đeo tay cần phát ra.
Dựa trên nguyên tắc này, những người “nhạc trưởng” ở phòng điều khiển sự kiện có thể xây dựng các kịch bản ánh sáng phù hợp với buổi diễn. Cụ thể, khán giả trên từng khu vực khán đài sẽ được phân chia thành nhiều nhóm khác nhau. Mỗi nhóm sẽ “đảm nhiệm” một màu ánh sáng khác nhau và khi người điều khiển kích hoạt các hiệu ứng này, ánh sáng sẽ phát ra đồng bộ theo các nhóm đã được sắp xếp.
Nhưng cũng có trường hợp, người điều khiển sẽ “chơi đùa” với ánh sáng ngẫu hứng theo những khoảnh khắc cao trào của sự kiện. Công nghệ này hoạt động hiệu quả khi khán giả ngồi cố định ở một khu vực trên khán đài và không thay đổi chỗ ngồi.
Đây là một công nghệ lâu đời và có cơ chế hoạt động giống như chiếc điều khiển TV. Cụ thể, công nghệ này sẽ phát tín hiệu hồng ngoại tới vòng đeo tay thông qua các máy phát robot được đặt ở nhiều khu vực khác nhau quanh khán đài buổi diễn. Dưới đây là hình ảnh các máy phát tín hiệu hồng ngoại trong chương trình mô phỏng của PixMob.
Khi những chiếc vòng tay (tạm gọi là các pixel) được máy phát chiếu tia hồng ngoại đến, các pixel này đồng loạt phát ra màu sắc tương ứng với tín hiệu nhận được. Chỉ cần còn nằm trong phạm vi của tia hồng ngoại, các pixel sẽ phát sáng hoặc đổi màu theo tín hiệu hồng ngoại. Các “nhà ảo thuật ánh sáng” đã tận dụng cơ chế này để tạo ra nhiều hình dạng ánh sáng, chẳng hạn như hình trái tim.
Bằng cách đặt một lớp kim loại có sẵn hình dạng mong muốn, sau đó chiếu tia hồng ngoại xuyên qua lớp kim loại này, những người điều khiển ánh sáng trong sự kiện có thể tạo ra các hiệu ứng “muôn hình vạn trạng” trên khắp khán đài.
Công nghệ này gắn liền với văn hóa K-Pop vì nó thường được ứng dụng trong lightstick của các fan khi tham gia buổi diễn. Trong đó, khán giả sẽ tải một ứng dụng và cung cấp thông tin ghế ngồi cụ thể của mình trong sự kiện. Sau đó, lightstick sẽ kết nối Bluetooth với thiết bị của từng khán giả, điều đó đồng nghĩa với mỗi khán giả có một “địa chỉ riêng” trong buổi diễn đó. Nhờ vậy, người điều khiển ánh sáng sự kiện có thể xác định được vị trí của từng lightstick và tạo ra những hiệu ứng phức tạp và chi tiết như tạo hình những chữ cái.
Từ những nền tảng công nghệ không quá xa lạ, các chuyên gia tổ chức sự kiện đã ứng dụng một cách sáng tạo để làm nên những hiệu ứng thị giác bùng nổ cho từng buổi diễn. Khi chiếc vòng trên tay phát sáng, khán giả trở nên háo hức vì được trở thành một phần của buổi trình diễn, bất chấp vị trí ngồi của họ gần hay xa sân khấu.
Theo Phương Quyên / Brands Vietnam