Danh mục sản phẩm

Masan theo đuổi mô hình bán lẻ đa tiện ích

22-11-2021, 4:34 pm   299

Nội dung chính

Masan liên tiếp khai trương nhiều cửa hàng đa tiện ích, nâng tầm trải nghiệm mua sắm như cách các doanh nghiệp bán lẻ toàn cầu đang thực hiện.

Masan theo đuổi mô hình bán lẻ đa tiện ích

Đa tiện ích - "xu hướng bán lẻ của tương lai"

Covid-19 khiến nhiều người thay đổi quan điểm sống, thói quen, chú trọng sức khỏe hơn và tìm kiếm các giải pháp mua sắm vừa thuận tiện, vừa an toàn. Theo nghiên cứu của Publicis Sapient, 39% người tiêu dùng mong muốn mua nhiều loại sản phẩm, dịch vụ ở một điểm bán duy nhất, không phải di chuyển đến nhiều nơi.

Thấu hiểu lo lắng trên, các doanh nghiệp bán lẻ toàn cầu nỗ lực đổi mới nhằm mang đến trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng, phù hợp bối cảnh bình thường mới. Mô hình "tất cả trong một" được nhiều "gã khổng lồ" trong ngánh bán lẻ theo đuổi, điển hình là Target, Amazone hay IKEA...

Hình thức bán lẻ đa tiện ích cung cấp nhiều sản phẩm, dịch vụ trong một không gian, người dân không cần tốn thời gian di chuyển nhiều nơi để tìm kiếm thứ mình cần. Cửa hàng cũng ưu tiên bài trí nhu yếu phẩm thiết yếu, lập tức đáp ứng mọi nhu cầu tiêu dùng.

Tại Việt Nam, Masan đang tích cực triển khai bán lẻ đa tiện ích một cách quy mô, bài bản. Tại Đại hội Cổ đông 2021, ông Nguyễn Đăng Quang - Chủ tịch tập đoàn Masan - cho biết: "Cửa hàng hiện đại sẽ kết nối mọi nhu cầu của người tiêu dùng trên một nền tảng, xuyên suốt từ online đến offline. Đây là điểm đến 'tất cả trong một', phục vụ cả về tài chính, giáo dục, xã hội, giải trí lẫn chăm sóc sức khỏe".

VinMart+ Udic (Hà Nội) là nơi thí điểm đầu tiên, tích hợp VinMart+, kiosk Phúc Long và Techcombank. Tập đoàn đang tăng tốc nhân rộng mô hình ở thủ đô và TP HCM từ tháng 10. Ở các cửa hàng khác vừa khai trương, doanh nghiệp còn tích hợp thêm quầy dược phẩm Phano Mart và mạng di động Reddi.

Hình thức này nhận nhiều phản hồi tích cực từ khách hàng. Chị Ngọc Giang (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho hay: "Tôi thường xuyên mua sắm tại VinMart+. Thật thú vị khi tôi và bạn bè có thể ăn sáng, uống cà phê, đi chợ rồi giao dịch ngân hàng ngay tại đây mà không tốn thời gian di chuyển nhiều nơi".

Masan không chỉ hướng đến đối tượng khách quen mà còn mở rộng ra cả dân văn phòng và người tiêu dùng trẻ - những người sẵn sàng chi trả và tiếp thu trào lưu, lối sống mới.

Đại diện tập đoàn cho biết sau thời gian ngắn triển khai, bán lẻ đa tiện ích khá khả quan. Lưu lượng khách và lợi nhuận tại các điểm bán tăng đáng kể. Sắp tới, mô hình này có thể tăng tiềm năng phát triển khi Masan dần số hóa nền tảng tích hợp từ offline đến online.

Tích hợp xuyên suốt từ offline tới online

Tháng 5, Alibaba Group và Baring Private Equity Asia chi 400 triệu USD mua lại 5,5% cổ phần The CrownX. Thỏa thuận hợp tác với nhóm nhà đầu tư trên góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của The CrownX và tăng tốc phát triển thị trường bán lẻ tích hợp từ offline đến online tại Việt Nam.

"Đây là mảnh ghép chiến lược đón đầu xu hướng của tương lai khi các gia đình tăng dần chi tiêu mua sắm trực tuyến", đại diện Masan cho hay.

Theo nghiên cứu của Publicis Sapient, 55% người tiêu dùng cho biết họ thường dạo kênh online, tham khảo trước khi mua hàng trực tiếp tại cửa hàng. Trải nghiệm mua sắm tương lai cần được số hóa, cá nhân hóa nhờ nguồn dữ liệu online.

Song song bắt tay "người khổng lồ" thương mại điện tử quốc tế, Masan cũng chủ động số hóa hệ sinh thái của mình khi mua lại Mobicast - chủ quản mạng di động Reddi. Tập đoàn hiện sở hữu nền tảng tiêu dùng từ các công ty thành viên và liên kết như WinCommerce (trước đây là VinCommerce), Masan Consumer Holdings, Techcombank, Phúc Long.

Để phục vụ hàng triệu khách hàng hiện đại, Masan cần một giải pháp tích hợp sản phẩm và dịch vụ số vào nền tảng tiêu dùng, tái định nghĩa trải nghiệm khách hàng. Theo đó, bằng cách kết hợp với cơ sở dữ liệu khách hàng của Reddi, Masan sẽ xây dựng nền tảng tích hợp xuyên suốt, mang đến các giá trị vượt trội.

Publicis Sapient chỉ ra 37% người tiêu dùng online muốn cá nhân hóa các ưu đãi dựa trên sở thích, thói quen chi tiêu. Các nhà bán lẻ vì thế cần thấu hiểu nhu cầu khách hàng, kết nối các giao dịch tại điểm bán, hành vi mua sắm trực tuyến... để thực hiện các chương trình khuyến mãi riêng cho từng người. Đây cũng là định hướng của Masan.

Tập đoàn sẽ phát triển chương trình khách hàng thân thiết và hệ thống thanh toán thông qua ví di động (mobile wallet) nhằm mang đến giá trị dài hạn cho người tiêu dùng, đồng thời duy trì mô hình thu hút khách hàng mới có chi phí thấp.

Tổng giám đốc Tập đoàn Masan, ông Danny Le cho biết: "Tầm nhìn của Masan là xây dựng nền tảng tích hợp xuyên suốt từ offline đến online nhằm phục vụ các sản phẩm và dịch vụ thiết yếu, có tần suất sử dụng hàng ngày cho 50 triệu người tiêu dùng Việt Nam vào năm 2025".