01-12-2021, 5:06 pm 332
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, ngành bán lẻ ngày càng thể hiện vai trò quan trọng bởi đóng vai trò là cầu nối giữa sản xuất và tiêu thụ hàng hóa. Đặc biệt, ngành bán lẻ giúp cung cấp các mặt hàng thiết yếu cho người dân nhất là ở các địa phương, khu vực đang thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch bệnh.
Bà Vũ Thị Hậu, Chủ tịch Hiệp hội Các Nhà bán lẻ Việt Nam cho biết, các hệ thống siêu thị luôn chủ động liên hệ trực tiếp với các nhà sản xuất và các nhà cung cấp, luôn cùng với các nhà sản xuất để tiếp nhận hàng hóa một cách nhanh chóng nhất. Các nhà bán lẻ cũng đưa ra nhiều kịch bản để có nhiều nhà cung cấp thay thế, sẵn sàng tình huống nếu một nhà cung cấp nào đó không đáp ứng được hoặc bị phong tỏa do có ca mắc Covid-19 sẽ có giải pháp thay thế tránh đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa. Đồng thời, ngành bán lẻ cũng đang triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 cho cán bộ nhân viên trên toàn hệ thống.
Cùng với đó, bà Hậu cho hay, trước đây, ngành bán lẻ chỉ bán hàng trực tiếp, tuy nhiên trong tiền cảnh dịch Covid-19 đang mở phương thức bán hàng đa kênh trong đó ngành đẩy mạnh kênh bán hàng trực tuyến. Thực tế cho thấy, trong thời gian dịch bệnh, lượng hàng hóa mua trực tuyến tăng gấp nhiều lần so với trước đó và tăng so với kênh bán hàng trực tiếp.
Chính vì vậy, ngành bán lẻ đang tăng cường mạnh hơn các tính năng chuyên môn của mình trong nhà quản trị từ việc nâng cấp hệ thống, xử lý các đơn hàng, phương thức giao hàng thế giới để đáp ứng hơn nhu cầu của người dân.
Giới chuyên gia cũng cho rằng, cùng với sự phát triển của công nghệ và đặc biệt là do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trên toàn cầu đã khiến thói quen mua sắm tiêu dùng của người dân trở nên dần thay đổi. Khách hàng có thói quen xem xét và lựa chọn hàng hóa trực tuyến trước khi đặt mua hoặc tới mua tại cửa hàng. Các yếu tố này đòi hỏi các công ty bán lẻ luôn phải tối ưu nguồn lực của mình và đặt khách hàng làm trọng tâm để có thể tồn tại và phát triển bền vững.
Việc ứng dụng công nghệ mới như IoT, AR, Big Data, AI, Machine Learning … giúp doanh nghiệp có thể cung cấp dịch vụ chăm sóc khách hàng với những trải nghiệm và giá trị khác biệt, tối ưu hóa chiến lược quản lý và chuỗi cung ứng, từ đó gia tăng doanh số hoạt động.
Ông Đỗ Khắc Cương, Giám đốc kinh doanh khối khách hàng doanh nghiệp kiêm Giám đốc kênh đối tác, Microsoft Việt Nam cho biết trong một cuộc khảo sát toàn cầu với 800 giám đốc điều hành do báo The Economist và Microsoft thực hiện, những đáp viên trong ngành bán lẻ cho biết việc nâng cao trải nghiệm khách hàng là yếu tố hàng đầu thúc đẩy họ chuyển đổi số trong thời gian qua (49% so với mức trung bình của cuộc khảo sát là 36%). Đại dịch Covid-19 đã khiến yêu cầu chuyển đổi số trở nên quan trọng hơn bao giờ hết, đặc biệt đối với ngành bán lẻ.
Khảo sát cũng cho thấy các doanh nghiệp bán lẻ đã triển khai các kênh bán hàng trực tuyến và có sự thấu hiểu khách hàng vượt qua đại dịch tốt hơn các doanh nghiệp bán lẻ còn lại. Tập trung vào khách hàng không có gì là mới trong ngành bán lẻ. Tuy nhiên trong bối cảnh đại dịch, các doanh nghiệp cần phải nhận thức rõ tầm quan trọng của an toàn và bảo mật thông tin khách hàng để lựa chọn các giải pháp uy tín khi triển khai chuyển đối số trong ngành.
Để việc chuyển đổi số lan tỏa được sức ảnh hưởng đối với toàn xã hội, theo các chuyên gia, cần có sự đồng lòng, quyết tâm cao của toàn hệ thống chính trị; trong đó, trước nhất là Chính phủ, các bộ, ngành chức năng, sau là các địa phương, các sở, ban ngành; cuối cùng là các doanh nghiệp và toàn bộ người dân đều cùng hưởng ứng tham gia vào việc ứng dụng các dịch vụ số. Chuyển đổi số sẽ chỉ thực sự hiệu quả hơn, mang lại những giá trị mới giúp làm thay đổi diện mạo, nhận thức và tư duy của toàn xã hội khi mỗi cá nhân, tổ chức đều phải bắt tay vào làm và làm nhiều hơn nữa.
Nguồn: ictvietnam.vn