21-12-2021, 4:54 pm 324
Khi Covid-19 xuất hiện cách đây 21 tháng, dường như tất cả doanh nghiệp bán lẻ trên thế giới rơi vào trạng thái đóng băng, thậm chí nhiều dự đoán cho rằng tương lai toàn ngành không mấy triển vọng. Thế nhưng, thực tế đã chứng minh điều ngược lại. Sau quãng thời gian nỗ lực, kiên cường đối phó với dịch bệnh, ngành bán lẻ ngày nay trở thành "mũi tiến công" của nền kinh tế toàn cầu, là "miếng bánh" mà bất kỳ doanh nghiệp nào cũng muốn giành lấy.
Dịch Covid-19 thúc đẩy người mua sắm trên toàn cầu thay đổi thị hiếu, buộc các nhà bán lẻ thích ứng nhanh chóng. Sau quãng thời gian dài quanh quẩn trong bốn bức tường, người tiêu dùng trở nên quen thuộc với các chương trình kích cầu của chính phủ, dành tiền tiết kiệm vốn để đi du lịch hoặc ăn uống nay đổ dồn về các trang thương mại điện tử. Đó là lý do vì sao ngành hàng bán lẻ đạt được triển vọng lớn như ngày hôm nay.
Kể từ khi Amazon khơi mào kỷ nguyên mua sắm trực tuyến hơn hai thập kỷ trước, câu hỏi đặt ra là làm thế nào để các nhà bán lẻ thế hệ sau tiếp tục tồn tại. Tính tới thời điểm này, có lẽ không còn câu trả lời nào xác đáng hơn là "đa kênh" tức là kết hợp giữa cửa hàng mặt đất và internet. Rất nhanh chóng, giới bán lẻ đầu tư cho "mặt trận" mới. Giữa "bão" Covid-19, người kinh doanh phản ứng bằng cách thay đổi mô hình theo những cách chưa từng có, xử lý dịch vụ khách hàng từ đầu chí cuối cho đến khi hoàn thành đơn đặt hàng. Greg Buzek, Chủ tịch công ty nghiên cứu IHL Group cho hay: "Dịch bệnh thay đổi hoàn toàn cách chúng ta mua sắm. Giờ đây các nhà bán lẻ đang triển khai công nghệ với tốc độ đột phá với sự gia tăng đáng kể trong sử dụng rô bốt kho bãi, công cụ quản lý hàng tồn kho,...".
Tại Trung Quốc, một trong những thị trường bán lẻ phức tạp nhất thế giới, các cửa hàng nhanh chóng thâm nhập sâu hơn vào thương mại điện tử. Theo nhà tư vấn Kearny, nhiều đơn vị kinh doanh chỉ ra rằng lập các nhóm chăm sóc khách hàng nhỏ và theo sát thị hiếu cũng như giữ liên lạc với người mua giúp công ty tăng trưởng doanh thu. Các nhà bán lẻ thuộc tất cả các ngành hàng hiện quá đỗi quen thuộc với hình thức phát video trực tiếp. Ở Vũ Hán, tâm chấn đại dịch, dịch vụ giao đồ ăn giúp các bên thiết lập dịch vụ nhận hàng không tiếp xúc, đánh dấu khởi đầu phục hồi ngành dịch vụ tại thành phố xinh đẹp này.
Marks & Spencer, chuỗi cửa hàng bách hóa của Anh đã biến dịch bệnh trở thành bàn đạp tăng tốc độ chuyển đổi bằng cách đóng cửa một loạt các cửa hàng hoạt động kém, thu vốn đầu tư dịch vụ kỹ thuật số, bao gồm cả tạp hóa online. Chuỗi kinh doanh nâng cao dự báo lợi nhuận hai lần trong năm nay và cổ phiếu tăng hơn 60%. Bán hàng trực tuyến đã lan rộng từ Trung Quốc ra toàn cầu, là nguồn doanh thu đáng kể cho bất cứ người chơi trên thị trường.
Ngay cả tại các khu vực chỉ mới phát triển thương mại điện tử, mô hình mua sắm ở những nơi này cũng đã xuất hiện thay đổi nhất định. Các nhà bán lẻ từ Mexico đến Nga được trao quyền và thúc đẩy để tăng tốc độ giao hàng, xây dựng hệ thống thanh toán an toàn hơn. Tất nhiên, thành công của ngành bán lẻ phụ thuộc vào hành vi tiêu dùng thay đổi ra sao trong bối cảnh hậu Covid. Nhiều người chơi trong ngành đặt cược rằng các dịch vụ mới sẽ trở thành động lực tăng trưởng doanh thu.
Bên cạnh đó, đại dịch ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng và gây ra tình trạng thiếu lao động. Những người chơi nhỏ lẻ không có đủ nguồn lực để đầu tư xoay trục ắt sẽ tiếp tục chịu tổn thương, đặc biệt là khi các chương trình kích cầu đang dần kết thúc và sự xuất hiện của biến thể Omicron làm nghiêm trọng thêm tình hình ở một số nơi trên thế giới.
Tuy nhiên đối với những "ông lớn" có trong tay mọi thứ, 2021 là năm ghi dấu ấn cú phục hồi ngoạn mục. Tại Hoa Kỳ, các chuỗi cửa hàng giá rẻ Dollar General và Dollar Tree tiếp tục duy trì hơn 50 cửa hàng và dự kiến mở thêm hơn 4000 địa điểm. Đây là mức tăng trưởng ròng đầu tiên của hãng kể từ năm 2017. Chỉ số S&P ngành bán lẻ được cho là đã tăng 32% trong năm nay.
Theo công ty Placer.ai, ngay cả khi các biến thể của Covid-19 đang hoành hành ở một số vùng lãnh thổ trên khắp nước Mỹ, tổng lượt người tiêu dùng ghé thăm các cửa hàng toàn quốc chỉ thấp hơn 0,8% so với cùng kỳ năm 2019. Hàng loạt các chuỗi bán lẻ lớn như Target, Lowe's, Dick's Sporting Goods, Ulta Beauty và Bath & Body Works mở rộng danh mục mặt hàng, chương trình khuyến mãi thu hút nhiều người hơn trước đại dịch. Số lượt truy cập vào nhà bán lẻ lớn nhất thế giới Walmart chỉ kém hơn 2% so với năm trước.
Mặc dù triển vọng phát triển không ngừng được nâng cao nhưng trên thực tế, thương mại điện tử bán lẻ mới chỉ lớn mạnh ở Trung Quốc, chiếm khoảng 30% tổng doanh số toàn ngành. Đối với các thị trường khổng lồ nhưng còn bỏ ngỏ như Nhật Bản, Mexico, Ấn Độ, tỷ lệ chưa bằng một nửa so với đất nước tỉ dân. Nhà phân tích kiêm người sáng lập Coresight Research nhận định: "Thay đổi lớn nhất trong tương lai sẽ là mối quan hệ giữa người tiêu dùng với thương hiệu thông qua các cửa hàng cả trực tuyến và ngoại tuyến. Tôi chưa bao giờ nhìn thấy cơ hội bán lẻ lớn như hiện tại".
Nguồn: doanhnghiephoinhap.vn