Danh mục sản phẩm

Bán lẻ và tiêu dùng “bứt phá” thời hậu Covid

20-12-2021, 4:12 pm   287

Nội dung chính

Có lẽ sẽ còn khá lâu, ngành bán lẻ và dịch vụ mới tái diễn cảnh đông người xếp hàng tại các trung tâm thương mại hay cửa hàng trong những ngày cao điểm mua sắm hay lễ, Tết. Ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, nhu cầu tiêu dùng của người dân có sự chuyển hướng, tính đa dạng trong mua sắm giảm, thay vào đó, các nhóm hàng thiết yếu lên ngôi...

Bán lẻ và tiêu dùng “bứt phá” thời hậu Covid

Quan sát diễn biến dịch Covid-19 tại các quốc gia khác và tại Việt Nam thời gian qua có thể thấy, việc hạn chế mua bán và sử dụng dịch vụ, hàng hóa trực tiếp sẽ còn tiếp diễn lâu dài, tùy theo diễn biến của dịch bệnh. Trước ảnh hưởng của Covid-19, việc làm tại nhiều ngành nghề không ổn định dẫn đến thu nhập giảm sẽ khiến người tiêu dùng cơ cấu lại giỏ hàng hóa, dịch vụ của mình để thích nghi với tình hình mới.

CHUYỂN ĐỔI SỐ TRỞ THÀNH “KỊCH BẢN” DUY NHẤT

Mặc dù sẽ tiết kiệm hơn, người tiêu dùng cũng không thể không sử dụng hàng hóa, dịch vụ, đặc biệt là những nhóm hàng thiết yếu. Chỉ là cách để hàng hóa đi từ người bán đến người mua sẽ khác trước khá nhiều và thích nghi với điều này sẽ trở thành con đường gần như duy nhất để ngành bán lẻ tồn tại và phát triển.

Cụ thể hơn, các nhà bán lẻ phải nhanh chóng chuyển đổi và thích ứng ngay với đặt hàng trên thiết bị di động, công nghệ và giao hàng tại nhà. Quan sát chung cho thấy, kể cả trong những thời điểm giãn cách xã hội nghiêm ngặt nhất, những đơn vị bán lẻ nào “chuẩn chỉnh” được các yêu cầu của việc bán hàng qua mạng, giao hàng tận nhà thì doanh số lại còn tăng cao hơn bình thường. Trong số này có cả những người bán nhỏ lẻ chứ không riêng gì các tên tuổi lớn trong ngành.

Đại diện Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (Vecom), ông Nguyễn Bình Minh nhận định, các doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước một cơ hội mới để bứt phá nếu thích ứng kịp thời với môi trường kinh doanh mới do dịch Covid-19 tạo ra. Việc người dùng và các doanh nghiệp tích cực chuyển đổi số và ứng dụng thương mại điện tử là một sức ép bắt buộc sẽ làm thay đổi thói quen và hành vi của cả thị trường.

Cùng với đó, thái độ tích cực của doanh nghiệp với cộng đồng xã hội trong giai đoạn dịch bệnh sẽ nhận được sự ủng hộ của người tiêu dùng. Người dùng sẽ dần có xu hướng mạnh dạn tham gia vào các giao dịch thương mại điện tử và nâng cao lòng tin vào những doanh nghiệp kinh doanh có uy tín. Số lượng giao dịch thương mại sau đại dịch sẽ tiếp tục tăng khi nền kinh tế hoạt động và tăng tốc trở lại, cũng như thu nhập của người dân tăng lên...

Còn theo bà Nguyễn Thị Hậu, Chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam, thời gian qua ngành bán lẻ gặp rất nhiều khó khăn nhưng vẫn có cơ hội lớn. Cụ thể, đại dịch Covid-19 đang tạo ra cơ hội mới cho kênh bán hàng trực tuyến và có thể mang lại triển vọng mới cho ngành bán lẻ thời gian tới. Chính vì vậy, ngành bán lẻ đang tăng cường hơn tính chuyên nghiệp của mình trong khâu này từ việc nâng cấp hệ thống, xử lý các đơn hàng, phương thức giao hàng thế nào để đáp ứng hơn nhu cầu của người dân.

“Thực sự ngành bán lẻ cần có “sức khỏe” cả về con người và cả hệ thống, bởi ngành này là cầu nối giữa sản xuất và tiêu dùng để thúc đẩy nền kinh tế. Ngành bán lẻ có khỏe mạnh, có tính chuyên nghiệp thì cầu nối đó mới vững chắc và mới thúc đẩy được sự phát triển của nền kinh tế”, bà Hậu nhận xét.

NHỮNG XU HƯỚNG MỚI TRONG THỜI KỲ BÌNH THƯỜNG MỚI

Những tác động “địa chấn” của đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy quá trình tái cấu trúc lại ngành bán lẻ, với những xu hướng kinh doanh mới đang nhanh chóng được áp dụng và dự đoán sẽ thay đổi toàn bộ cục diện của ngành chỉ trong vài năm tới. Mới đây, Công ty cổ phần báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) đã phát hành báo cáo phân tích tác động của Covid-19 đến ngành bán lẻ Việt Nam và đề cập đến những xu hướng mới trong ngành này.

Theo đó, mô hình cửa hàng hỗn hợp Omni-channel sẽ tiếp tục phát triển cùng với sự tái cấu trúc hoạt động từ cửa hàng vật lý, nhà kho đến trụ sở văn phòng hỗ trợ. Đại dịch đã thúc đẩy sự xuất hiện của một mô hình cửa hàng hỗn hợp đa kênh mới, là sự kết hợp giữa cửa hàng vật lý và dịch vụ hậu cần như mua hàng trực tuyến, nhận tại cửa hàng hoặc nhận bên ngoài.

Một cuộc khảo sát gần đây của Vietnam Report cho thấy, bốn trong sáu yếu tố hàng đầu thúc đẩy khách hàng mua sắm đa kênh có liên quan đến hậu cần. Cụ thể: giao hàng tận nơi và tốc độ giao hàng (89,22%); Sản phẩm đa dạng, phong phú (52,94%); Phương thức đặt hàng dễ dàng (50,98%); Tiết kiệm thời gian mua sắm (49,02%). Có nhiều chương trình khuyến mãi (49,02%); không phải xếp hàng chen chúc và tiếp xúc nhiều người (34,31%). Do vậy, việc tạo ra một mạng lưới đáp ứng nhanh hơn là điều quan trọng hàng đầu mà các nhà bán lẻ cần phải xây dựng để duy trì khả năng cạnh tranh trong bán hàng đa kênh và sẽ đòi hỏi cả sự thay đổi tư duy và mô hình hoạt động giữa các nhà bán lẻ.

Xu hướng tiếp theo chính là nâng cao trải nghiệm kỹ thuật số. Khi nới lỏng các biện pháp giãn cách và phong tỏa, khách hàng có thể sẽ quay lại các cửa hàng bán lẻ với kỳ vọng cao hơn đáng kể về trải nghiệm tại cửa hàng. Trải nghiệm này phần lớn sẽ được thúc đẩy bởi mức độ mà các cửa hàng bán lẻ tích hợp một cách chặt chẽ với các công nghệ như tương tác công nghệ di động, số hóa sản phẩm, thông tin hàng tồn kho theo thời gian, quản lý khách hàng thân thiết và thiết kế tại cửa hàng. Chọn các yếu tố số hóa phù hợp sẽ rất quan trọng để mang lại trải nghiệm khách hàng phong phú, nhanh chóng và qua đó góp phần nâng cao lòng tin của người tiêu dùng.

Bên cạnh việc dễ dàng khám phá và phân loại sản phẩm, khách hàng hiện nay còn thích quy trình mua hàng không cần chạm, các cửa hàng bán lẻ thanh toán tự động không người bán. Sự kết hợp của các công nghệ trí tuệ nhân tạo AI, Robot, IOT (Internet of Things), Thực tế ảo VR (Virtual Reality), Thực tế ảo tăng cường AR (Augmented Reality), phần mềm máy học (Machine Learning) sẽ cho phép khách hàng mua sắm tại các cửa hàng ngoại tuyến mà không cần tương tác với các cá nhân khác và đáp ứng nhanh hơn nhu cầu của khách hàng.

Bên cạnh đó, đại dịch còn thúc đẩy xu hướng tiêu dùng ưu tiên tính bền vững và sức khỏe. Người tiêu dùng sẽ ngày càng tìm kiếm các thương hiệu bền vững, các nhà bán lẻ chia sẻ giá trị của họ và cam kết cải thiện môi trường. Gần 99% người trả lời trong khảo sát của Vietnam Report hoàn toàn đồng ý và tương đối đồng ý lựa chọn mua hàng từ những công ty có danh tiếng về trách nhiệm xã hội. Một số người tiêu dùng lại đang chọn các thương hiệu mới, nhỏ hơn, mới hơn mà họ cho là xác thực và sáng tạo hơn. Từ đó, yêu cầu các nhà bán lẻ thực hiện các biện pháp cho phép mua sắm có ý thức về môi trường, từ việc tham gia các chương trình tái chế đến phát triển các mục tiêu bền vững.

>> Xem thêm: Bán lẻ Việt Nam vào đường đua mới

>> Xem thêm: Dịch Covid-19 đã tạo nên xu hướng mới nào cho thị trường bán lẻ Việt?

Nguồn: vneconomy.vn