Danh mục sản phẩm

Dịch Covid 19 và hành động của chúng ta - Việc cần làm của các nhà bán lẻ!

07-10-2021, 4:20 pm   314

Nội dung chính

Dịch Covid–19: Bao giờ kết thúc?

Dịch Covid–19 (WHO tuyên bố là “Đại dịch”) bắt đầu bùng phát từ tháng 12 năm 2019 tại Vũ Hán, Trung Quốc và hiện vẫn đang tiếp tục hoành hoành trên thế giới và gây ra những hệ lụy lớn về nhiều mặt. Đến nay, gần 200 quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn cầu đã ghi nhận trường hợp mắc bệnh.

Dịch Covid 19 và hành động của chúng ta - Việc cần làm của các nhà bán lẻ!

Việt Nam chúng ta đã và đang có những nỗ lực to lớn và kết quả khả quan ban đầu để bảo vệ sức khỏe của nhân dân, hạn chế tối đa các tác động tiêu cực về kinh tế, hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp , đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như người lao động … Ai trong chúng ta cũng mong mỏi dịch mau chóng bị dập tắt, tuy nhiên, tại thời điểm này,  chưa có ai dám khẳng định bao giờ thì Dịch Covid–19 sẽ kết thúc.

Nếu như vào thời điểm cuối tháng 02/2020, rất nhiều người trong chúng ta nghĩ  (và hy vọng) rằng thời gian của dịch sẽ chỉ kéo dài khoảng hai – ba tháng thì bây giờ, với những thay đổi, những tình trạng mới nhất về các ổ dịch tại Hàn Quốc, Nhật Bản, các ca tái nhiễm tại Trung Quốc cũng như sự lan rộng của Dịch Covid–19 ở châu  u, đặc biệt là ở Ý và Đức cũng như ở châu Mỹ như tại Hoa Kỳ và Canada và  đến giữa tháng 3/2020  vừa qua, Châu Phi cũng hết thời ‘miễn dịch’ Covid-19 … thì rất khó để xác định được thời điểm Dịch Covid–19 sẽ kết thúc.

Ông Michael Ryan, Giám đốc điều hành Chương trình y tế khẩn cấp của WHO nói rằng không có bằng chứng cho thấy dịch Covid-19 do virus corona chủng mới gây ra sẽ suy yếu vào mùa hè như bệnh cúm, và như vậy, chắc chắn chúng ta phải chống chọi (nói một cách mạnh mẽ hơn là “chiến đấu”) với Dịch Covid–19 với mọi ưu tiên và tập trung hết sức.

Điều quan trọng đối với cộng đồng doanh nghiệp nói chung không chỉ là chống chọi, tìm mọi cách tồn tại qua mùa dịch mà còn phải sẵn sàng cho thời kỳ “hậu chiến” dịch bệnh. Riêng đối với cộng đồng doanh nghiệp phân phối – bán lẻ, việc tồn tại và phát triển qua mùa dịch và sau mùa dịch luôn phải gắn liền với vai trò kết nối giữa sản xuất với tiêu dùng của ngành cũng như vai trò bình ổn thị trường và bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ toàn thể người dân Việt Nam.

Tác động của Đại dịch Covid–19 lên thị trường bán lẻ Việt Nam

Theo các thông tin và phân tích của các chuyên gia trong và ngoài nước và tình hình hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp phân phối – bán lẻ, đặc biệt là các thành viên của Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, chúng ta có thể thấy sự bùng phát và diễn biến bất ngờ của Đại dịch Covid-19 đã có nhiều tác động đến nền kinh tế nói chung và tác động đến ngành công nghiệp dịch vụ bán lẻ, đến thị trường phân phối – bán lẻ nói riêng, trước hết là những thay đổi/biến động trong việc mua sắm, tiêu dùng của người tiêu dùng Việt cũng như  những yêu cầu mới của thị trường.

Bước đầu, chúng ta có thể thấy những tác động cụ thể như sau:

2.1    Thị trường bán lẻ biến động, thay đổi trong tiêu thụ các mặt hàng để phòng chống dịch: Một số mặt hàng “nóng” trong sử dụng cũng như xu hướng mua dự trữ tại các đô thị:

Nhóm ngành hàng thực phẩm tiện lợi và gia vị nấu ăn: Đồ đông lạnh, đồ hộp, mì gói các loại và dầu ăn; các sản phẩm bổ sung dưỡng chất và giúp nâng cao hệ miễn dịch, đặc biệt dành cho nhóm người già và trẻ em như sữa bột và sữa chua uống; Đặc biệt, thực phẩm lành mạnh như: trái cây, nước ép trái cây, rau củ giúp tăng khả năng miễn dịch có chiều hướng tăng.

NTD cũng có xu hướng dự trữ các loại thực phẩm ăn liền tại nhà như: mì và các sản phẩm ăn liền,  xúc xích, đồ ăn nhẹ, nước đóng chai và thực phẩm đóng hộp …, đặc biệt là ở những khu vực có trường hợp nhiễm bệnh hay cách ly.

Theo khảo sát của Nielsen Việt Nam, với hành vi lưu trữ thức ăn tại nhà, NTD đang gia tăng việc tiêu thụ các ngành hàng như sợi ăn liền (tăng 67%), thực phẩm đông lạnh (+40%) và xúc xích tiệt trùng (+19%). Bên cạnh đó, ngành chăm sóc vệ sinh cá nhân, bao gồm nước súc miệng (+78%), chăm sóc cơ thể (+45%) và khăn giấy (+35%) cùng ngành chăm sóc nhà cửa cũng được tiêu thụ nhiều hơn vì mọi người đang quan tâm và bảo vệ sức khỏe của mình trước Covid-19.

Chất tẩy rửa gia dụng và vệ sinh cá nhân nhằm giữ gìn vệ sinh và diệt khuẩn: Nước rửa tay, nước rửa tay khô diệt khuẩn, xà phòng, giấy vệ sinh, khăn giấy ướt; kem dưỡng da tay,  … và các sản phẩm lau chùi nhà cửa.

Các sản phẩm y tế phòng chống dịch như khẩu trang, nước súc miệng, … và các loại thuốc bổ và vitamin.

Trong khi đó, tiêu thụ các mặt hàng như các loại đồ uống không cồn và có cồn giảm ; bia và các loại thức uống giải khát ghi nhận các mức giảm sâu. Mặt khác, mọi người có sự e dè với những ngành hàng như thịt tươi, rau tươi và hải sản trong suốt thời kỳ dịch bệnh này. Ngành đồ uống, bia và nước ngọt cũng đều có xu hướng tiêu thụ giảm.

(Nguồn: Khảo sát của Nielsen Việt Nam và của Kantar International tháng 3/2020)

2.2   Người dân thay đổi hành vi tiêu dùng: Covid-19 làm thay đổi rất nhiều hoạt động của người dân, không chỉ trong mua sắm mà còn trong nhiều lĩnh vực khác, đặc biệt là trong du lịch, học hành và giải trí.

Để giữ an toàn và bảo vệ bản thân, NTD đã hạn chế bớt các hoạt động hàng ngày có mức độ tương tác nhiều với đám đông. Tần suất đi mua sắm giảm đi, thay vào đó kích thước giỏ hàng tăng lên cho mỗi lần mua hàng.

Thay đổi lượng mua sắm ở các định dạng bán lẻ: Người dân hạn chế mua sắm tại bán lẻ truyền thống, trong khi đó, dường như các định dạng bán lẻ hiện đại lớn bao gồm đại siêu thị, siêu thị được lựa chọn nhiều hơn từ sự hấp dẫn của các định dạng này là chúng cung cấp điều kiện vệ sinh, đa dạng sản phẩm và rất nhiều chương trình hỗ trợ phòng chống dịch bệnh như giao hàng tận nhà, giá ổn định và nhiều chương trình bán hàng hỗ trợ nông dân. Trong giai đoạn này, các địa điểm quy mô nhỏ, sạch sẽ và cự ly gần hơn như cửa hàng thực phẩm, siêu thị mini và cửa hàng tiện lợi sẽ được người tiêu dùng ưu tiên hơn cùng dịch vụ giao hàng, chú trọng vào các mặt hàng nhu yếu phẩm.

2.3   Mua sắm trực tuyến cùng dịch vụ giao hàng và bán lẻ đa kênh lên ngôi.

Ngay cả khi chưa có dịch, thương mại điện tử năm 2020 được kỳ vọng sẽ tăng khả quan. Mô hình mua sắm từ trực tuyến đến ngoại tuyến (OTO) và mua sắm thương mại điện tử phù hợp và đáp ứng được nhu cầu của NTD Việt trong thời gian này. Các nền tảng mua sắm trực tuyến và dịch vụ giao hàng theo đó dự kiến sẽ tăng trưởng mạnh mẽ cả về số lượng người mua lẫn doanh thu, nhờ vào (1) thu hút người mua mới chưa bao giờ mua sắm trực tuyến trước đó (hiện nay đến 3/4 hộ gia đình Việt Nam tại 4 thành phố chính chưa mua bất kỳ sản phẩm tiêu dùng nhanh nào trực tuyến, theo dữ liệu Consumer Panel – Kantar cập nhật đến hết năm 2019 và (2) gia tăng mức chi tiêu từ những người đã và đang mua hàng trực tuyến.

Xu hướng này dự kiến ​​sẽ tiếp tục trong những tháng tới, đặc biệt là khi đã có khuyến cáo từ Chính phủ và các cơ quan QLNN về việc tránh đám đông và tiếp xúc trực tiếp.

2.4  Thách thức lớn trong việc đảm bảo nguồn cung cho thị trường bán lẻ trong suốt mùa dịch và khi Đại dịch Covid–19 kết thúc:

– Yêu cầu bảo đảm hàng hóa, nhu yếu phẩm trong và sau Đại dịch: Nguồn cung hàng hóa chỉ được đảm bảo khi có đủ nguyên vật liệu và đẩy mạnh sản xuất, bảo đảm đủ nguồn cung lương thực, thực phẩm thiết yếu, đặc biệt là trong những trường hợp/tình huống khẩn cấp như  bị Phong tỏa từng phần hoặc bị cách ly, phong tỏa toàn bộ một/một số khu vực, tỉnh, thành phố, thậm chí là cả quốc gia … cũng như ngăn chặn các trường hợp thao túng giá, đầu cơ, trục lợi, …

Tin giờ chót: Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19. Theo đó, thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 0 giờ ngày 01/04/2020 trên phạm vi toàn quốc theo nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình, thôn bản cách ly với thôn bản, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện, tỉnh cách ly với tỉnh, phân xưởng, nhà máy sản xuất phải bảo đảm khoảng cách an toàn, đeo khẩu trang, thực hiện khử trùng, diệt khuẩn theo quy định.

– Chuẩn bị các hàng hóa cho mùa sau dịch.

– Phối hợp, liên kết nhà bán lẻ – nhà sản xuất, cung ứng – dịch vụ Logistics

2.5  Ý thức về sức khỏe của NTD Việt Nam tăng lên mạnh mẽ và thái độ chủ động theo dõi thông tin.

Có thể nói, chưa bao giờ ý thức về sức khỏe và vệ sinh của NTD Việt được nâng cao như hiện nay. Theo nghiên cứu của Nielsen Việt Nam, 65% người dân theo dõi tin tức nhiều lần trong ngày. Nhìn chung, người Việt Nam đang có ý thức rất cao về dịch Covid-19 khi theo dõi các tin tức cập nhật về dịch bệnh nhiều lần mỗi ngày với tốp ba nguồn thông tin là thông tin từ Bộ Y Tế, các chương trình TV, báo chí, mạng Xã Hội, …)

Cũng theo Nielsen VN, người Việt Nam không chỉ nhận thức rõ về ý thức phòng dịch mà họ còn đang có những hành động bảo vệ bản thân khỏi dịch bệnh này. Họ đeo khẩu trang bất cứ khi nào ra khỏi nhà (89%), rửa tay thường xuyên với xà phòng sát khuẩn (87%) và tránh tụ tập ở những nơi công cộng hoặc đông người (81%).

Về mặt truyền thông, người Việt Nam cũng đã thay đổi thói quen cập nhật truyền thông mỗi ngày do Covid-19. 40% người được khảo sát nói rằng họ đã dành nhiều thời gian hơn để xem tivi và 35% sử dụng thời gian để xem các nội dung trực tuyến.

Hành động của chúng ta - Việc cần làm của các nhà bán lẻ!

3.1  Nhận thức: Trước những khó khăn và thách thức to lớn về nhiều mặt mà Đại dịch Covid–19 gây ra, chúng ta cần có nhận thức và hành động thích hợp để ứng biến với mọi tình huống của Đại dịch.

Điều quan trọng đối với cộng đồng doanh nghiệp nói chung không chỉ là chống chọi, tìm mọi cách tồn tại qua mùa dịch, nói cách khác là Ứng phó khẩn cấp với thảm họa dịch bệnh  mà còn phải sẵn sàng cho thời kỳ “hậu chiến” dịch bệnh. Riêng đối với cộng đồng doanh nghiệp phân phối – bán lẻ, việc tồn tại và phát triển qua mùa dịch và sau mùa dịch luôn phải gắn liền với vai trò kết nối giữa sản xuất với tiêu dùng của ngành cũng như vai trò bình ổn thị trường và bảo vệ người tiêu dùng.

Ưu tiên tối thượng là đảm bảo cuộc sống và sức khỏe của khách hàng, nhân viên, đội ngũ điều hành và cộng đồng.

3.2  Đề xuất, đóng góp với Chính phủ và Cơ quan QLNN các cấp ý kiến xây dựng chính sách, quy định liên quan đến phân phối – bán lẻ nhằm khắc phục hậu quả của Đại dịch Covid-19 gây ra

Một trong những đề xuất ngay tại thời điểm này, 01/04/2020, ngày đầu tiên cả nước thực hiện việc cách ly toàn xã hội 15 ngày theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, nên là giải pháp đảm bảo nguồn cung hàng hóa và dịch vụ thiết yếu liên tục và bền vững cho thị trường bán lẻ trong suốt mùa dịch và khi Đại dịch Covid–19 kết thúc.

(Tôi xin cố gắng phác thảo đề xuất này và gửi đến ACE Ban Chấp hành để xin ý kiến trong một, hai ngày tới).

Chính phủ đã đưa ra một số giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với Đại dịch Covid-19, trong đó có một loạt các biện pháp cứu trợ như một cách để ổn định thị trường. Chúng ta hãy sử dụng kịp thời và hiệu quả.

3.3  Giải pháp cho ngành công nghiệp dịch vụ bán lẻ để ứng phó trong mùa dịch bệnh và phát triển sau khi dịch bệnh kết thúc, đặc biệt là các chiến lược giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn thời Đại dịch Covid 19, bao gồm các phương án ứng phó khẩn cấp và chiến lược duy trì hoạt động kinh doanh nhằm sớm hồi phục.

Một số gợi ý để chúng ta tham khảo, bàn luận:

– Từng doanh nghiệp nên có rà soát, định vị lại mình và có kế hoạch phù hợp để ứng phó với tình hình Đại dịch Covid 19, từ việc đánh giá chất lượng các bộ phận, phòng ban để nâng cao hiệu suất công việc;  chuyển đổi, tăng cường bán lẻ trực tuyến /bán lẻ đa kênh phục vụ nhân dân; Thử nghiệm phương thức làm việc mới và cắt giảm chi phí, … cho đến xây dựng và giữ gìn thương hiệu qua hoạt động trách nhiệm xã hội, xây dựng văn hóa doanh nghiệp và chăm sóc cổ đông, nhân viên, vv …

– Một kế hoạch duy trì hoạt động kinh doanh (Business Continuity Plan – BCP) cũng rất có ích để doanh nghiệp bảo vệ hoạt động kinh doanh trong thời kỳ khủng hoảng.

– Kêu gọi và khuyến khích các nhà đầu tư, chủ các mặt bằng miễn/giảm tiền thuê mặt bằng bán lẻ – hành động chia sẻ thiết thực dành cho các nhà bán lẻ;

– Củng cố, thắt chặt quan hệ hợp tác, liên kết với các đối tác. Chủ động giữ quan hệ chặt chẽ với nhà sản xuất – cung ứng để đảm bảo nguồn hàng liên tục, đảm bảo cả số khối lượng và chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm

3.4   Chủ động truyền thông thời Đại dịch

Không chỉ truyền thông ra bên ngoài mà còn cả truyền thông nội bộ, không chỉ qua các kênh truyền thống mà còn qua các mạng xã hội. Chú ý ưu tiên các nội dung mà người tiêu dùng/ cộng đồng hiện đang quan tâm, cung cấp thông tin hữu ích phòng chống dịch bệnh …

Rất nên có Thông điệp của Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, của cộng đồng doanh nghiệp bán lẻ gửi đến:

- Các nhà sản xuất – cung ứng, dịch vụ Logistics (kho bãi, vận tải, lưu thông, …);

- Toàn thể người tiêu dùng

- Chính phủ và các CQ QLNN

Thời gian vừa qua, rất nhiều thành viên của Hiệp hội như Vinamilk, Unilever Việt Nam, SaigonCoop, Satra, Hapro, BigC and GoBigC, MM Mega Market, BRG Retail, VinCommerce,  Kangaroo, Canifa, Tuệ Viên, vv …  đã có những đóng góp tích cực, to lớn và kịp thời, cả nguồn lực tài chính và các hoạt động thiết thực cho phòng chống Đại dịch Covid 19, đặc biệt là bảo đảm nguồn cung hàng hóa cho nhân dân. 

Lãnh đạo Hiệp hội nên có động viên, tuyên dương kịp thời.

3.5   Ứng phó trong mùa dịch bệnh cũng là thời cơ để các nhà bán lẻ kiểm tra năng lực quản trị doanh nghiệp cũng như khả năng xử lý rủi ro, xử lý khủng hoảng – điều tối cần thiết để tồn tại qua Đại dịch Covid 19 và sẵn sàng cho thời kỳ phục hồi sau mùa dịch./.

>> Xem thêm: Xu thế công nghệ trong thị trường bán lẻ truyền thống

>> Xem thêm: Ngành bán lẻ và “vòng xoáy” chuyển đổi số

 Nguồn: http://hiephoibanle.com.vn/