11-04-2021, 10:25 pm 327
2020 là năm khó khăn cho ngành bán lẻ do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tuy nhiên, do kiểm soát tốt dịch bệnh, Việt Nam vẫn được dự báo là nền kinh tế hiếm hoi duy trì tăng trưởng dương 1,8% trong năm 2020, theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Riêng về bán lẻ, trong quý III/2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt 1,3 triệu tỷ đồng.
Trong đó, dù chịu tác động tiêu cực từ Covid-19 nhưng hệ thống siêu thị và cửa hàng tiện lợi vẫn phát triển đáng ghi nhận. Theo thống kê của MBA Andrews, số cửa hàng tiện lợi tại Việt Nam đã tăng từ 2.495 cửa hàng năm 2019 lên 5.228 cửa hàng năm 2020. Số lượng trung tâm thương mại cũng tăng trưởng khoảng 11% (tăng 11 trung tâm trong năm qua).
Mặc dù duy trì mức độ tăng trưởng tốt nhưng các các siêu thị, cửa hàng tiện lợi vẫn chiếm vị trí khá khiêm tốn trong cơ cấu ngành bán lẻ Việt Nam. Theo thống kê của Nielsen, Việt Nam hiện có khoảng 1,4 triệu cửa hàng tạp hóa và hơn 9.000 chợ truyền thống, chiếm 75% thị phần. theo Kantar WorldPanel Việt Nam các cửa hàng tạp hóa và chợ truyền thống đang đáp ứng đến 85% nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Tiện lợi, len lỏi vào từng ngõ ngách các khu dân cư, đặc biệt là ở các vùng nông thôn là lợi thế lớn nhất của các tiệm tạp hóa truyền thống trong việc tiếp cận người tiêu dùng. Tuy nhiên, mô hình kinh doanh lạc hậu là nhược điểm lớn nhất của hệ thống các cửa hàng này. Trong khi đó, xu hướng phát triển tất yếu của thị trường là quản lý online, thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt… Giới chuyên gia nhận định rằng, nếu không tự “hiện đại hóa”, “mobile hóa” bản thân, các tiệm tạp hóa này sẽ không thể theo kịp xu hướng phát triển của thị trường. Sự đình trệ, lạc lõng của họ có thể gây ảnh hưởng đến trải nghiệm mua sắm của người dùng cũng như tốc độ phát triển của thị trường.
Ở thời điểm được xem là bước ngoặt đó, VinShop xuất hiện góp phần biến các tiệm tạp hóa truyền thống thành “tạp hóa công nghệ”. VinShop cũng được xem là điểm nhấn lớn nhất của ngành bán lẻ Việt Nam trong năm 2020.
>> Xem thêm: Yeah1 “tham chiến” M2C với “cỗ máy bán lẻ 4.0” Giga1 với 400.000 điểm bán
>> Xem thêm: Giải pháp bán lẻ thông minh - Bí quyết tối đa hóa chuyển đổi hành vi mua hàng
VinShop ra mắt vào ngày 5/10/2020, hoạt động theo mô hình B2B2C (Business to Business to Consumers) đầu tiên tại Việt Nam, với tiêu chí “giúp chủ tạp hóa làm giàu”.
Sản phẩm của Tập đoàn One Mount Group (thành viên của Tập đoàn Vingroup) đóng vai trò kết nối trực tiếp các cửa hàng tạp hóa với nhà sản xuất. Mang tới công nghệ mới, VinShop đã góp phần thay đổi thói quen của những cửa hàng truyền thống. Họ có thể quản lý đơn hàng cũng bằng chính ứng dụng này, chọn thanh toán không dùng tiền mặt nếu khách hàng có sử dụng ví điện tử VinID Pay. Nói cách khác, VinShop giúp biến một cửa hàng tạp hóa truyền thống thành một siêu thị mini mà không tốn thêm bất cứ chi phí thiết bị và vận hành hệ thống nào, đồng thời giúp họ tiết kiệm chi phí, thời gian nhập hàng và quản lý hàng hóa.
Tính đến đầu tháng 12/2020 (2 tháng sau khi ra mắt), VinShop đã liên kết thành công với 40.000 tiệm tạp hóa, số lượng nhiều gấp gần 8 lần so với toàn bộ số lượng cửa hàng tiện lợi tại Việt Nam. Nếu các kế hoạch kinh doanh của VinShop đi đúng lộ trình, sẽ có cả trăm nghìn tiệm tạp hóa được “lên đời công nghệ” trong năm 2021.
Trang Nikkei nhận định việc đưa cửa hàng tạp hóa lên ứng dụng VinShop là giải pháp mới tại Việt Nam, thúc đẩy tiêu dùng trong và sau đại dịch. VinShop sẽ giúp cải thiện hiệu quả của chuỗi cung ứng, khắc phục điểm yếu hiện tại trong ngành bán lẻ xoay quanh việc phân phối sản phẩm cho các cửa hàng tạp hóa. Trong khi đó, trang DealStreetAsia cũng cho rằng đây là mô hình kinh doanh nhiều tiềm năng tại một thị trường bán lẻ màu mỡ như Việt Nam.
Dùng công nghệ để giải quyết các nút thắt của thị trường hiện tại cũng là cách thức được nhiều “kỳ lân” trên thế giới áp dụng và đã thành công. “Cách làm của VinShop giúp toàn bộ thị trường đều được hưởng lợi, từ nhà sản xuất, người bán lẻ và người dùng đều được giảm chi phí và mua được hàng có chất lượng tốt. Đây là cách làm của những người biết khai thác, hoàn thiện thị trường, làm ra sự khác biệt và có tính cạnh tranh cao”, chuyên gia bán lẻ Vũ Vinh Phú nhận định.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh thì tin rằng với sự ưu việt của mô hình và cách vận hành hiện đại, VinShop còn nhiều đất để phát triển, trở thành nhân tố có ảnh hưởng tích cực đến thị trường.
Theo dự báo của các chuyên gia, thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ phục hồi mạnh mẽ trong năm 2021. Nhiều doanh nghiệp sẽ “bung sức” trong năm tới, sau một năm “thu mình” vì dịch bệnh. Các hệ thống bán lẻ lớn của nước ngoài cũng sẽ gia nhập thị trường mạnh mẽ hơn. Trong khi đó, các cửa hàng tạp hóa truyền thống - với sự giúp sức của VinShop cũng đã sẵn sàng hòa nhập vào cuộc đua công nghệ để “lột xác” bản thân, mang đến những trải nghiệm mua sắm hoàn toàn mới cho người tiêu dùng. 2021, hứa hẹn là một năm rất đáng chờ đợi của ngành bán lẻ.
Theo: Minh Tuấn
Nguồn: https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/thi-truong-ban-le-truyen-thong-2020-lot-xac-nho-cong-nghe-699499.html